Cần bảo dưỡng điều hòa định kỳ từ 3 – 6 tháng/ lần nhằm tiết kiệm chi phí sửa chữa, tăng thời gian sử dụng và bảo vệ sức khỏe của người sử dụng
Để máy lạnh hoạt động hiệu quả, việc bảo dưỡng định kỳ là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia khuyến nghị rằng việc bảo dưỡng nên được thực hiện đều đặn để đảm bảo hiệu suất và độ bền của máy.
1. Bảo dưỡng điều hòa là gì?
Bảo dưỡng điều hòa là quá trình duy trì và kiểm tra hệ thống điều hòa không khí để đảm bảo nó hoạt động hiệu quả và an toàn. Quá trình bảo dưỡng bao gồm các hoạt động như: Kiểm tra sơ bộ điều hòa để kịp thời phát hiện lỗi, vệ sinh các bộ phận của máy lạnh, thay lọc không khí, nạp chất làm lạnh,…
2. Vai trò của việc bảo dưỡng điều hòa
Nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là việc bảo trì, bảo dưỡng điều hòa, dẫn đến việc máy lạnh không đảm bảo hiệu suất hoạt động. Các chuyên gia cho rằng việc bảo dưỡng điều hòa nên diễn ra định kỳ, nhất là trước khi mùa hè đến.
2.1. Tăng độ bền của điều hòa
Việc bảo dưỡng điều hòa định kỳ giúp giảm thiểu những sự cố có thể xảy ra, từ đó giúp máy lạnh tăng tuổi thọ, duy trì độ bền, tránh hiện tượng điều hòa bị han rỉ, ăn mòn.
2.2. Tiết kiệm chi phí
Có thể bạn cảm thấy chi phí bảo dưỡng điều hòa định kỳ là khoản không cần thiết nhưng trên thực tế, việc này có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Bằng cách luôn duy trì, bảo dưỡng điều hòa trong tình trạng tốt nhất, nó sẽ giảm nguy cơ phát sinh sự cố và các chi phí sửa chữa đắt đỏ.
2.3. Bảo vệ sức khỏe
Bụi bẩn có thể phát tán trong không khí thông qua điều hòa nếu điều hòa không được lau dọn, bảo dưỡng trong thời gian dài. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Một số hãng điều hòa hiện nay được trang bị công nghệ kháng khuẩn, lọc không khí nhưng nó chỉ giúp một phần và không thể thay thế hoàn toàn cho việc bảo dưỡng được.
3. Một số dấu hiệu cho thấy điều hòa cần được bảo dưỡng
3.1. Điều hòa bị rò rỉ Freon hoặc nước
Bất cứ hơi ẩm nào rò rỉ từ trong hoặc xung quanh điều hòa của bạn đều là dấu hiệu cho thấy bạn cần bảo dưỡng điều hòa. Đây có thể là dấu hiệu máy lạnh của bạn bị rò rỉ Freon (Chất làm lạnh).
Khí Freon là chất được sử dụng nhiều trong các thiết bị điều hòa, tủ lạnh. Loại khí này có tính thẩm thấu cực mạnh, dễ lọt ra ngoài khe hở và khó bị phát hiện bởi đặc tính không màu, không mùi của mình. Nếu để rò rỉ quá nhiều khí Freon, con người có thể cảm thấy ngạt thở và chết.
Trong trường hợp khác, hiện tượng chảy nước ở điều hòa có thể là do lâu ngày không vệ sinh máy lạnh hoặc việc lắp đặt đường ống thoát nước không đủ độ dốc.
3.2. Giá điện tăng cao
Một trong những dấu hiệu điều hòa của bạn cần được bảo dưỡng là giá điện tăng cao dù không sử dụng nhiều.Nguyên nhân của sự việc này là do công tắc điều chỉnh nhiệt độ bị hỏng hoặc máy lạnh bị giảm tuổi thọ.
3.3. Điều hòa ở chế độ làm lạnh thổi ra hơi ấm
Nếu như điều hòa của bạn để ở chế độ lạnh nhưng nó lại không lạnh hoặc thổi ra hơi ấm thì rất có thể do nhiều bụi bẩn bám vào làm cản trở hơi lạnh của thiết bị. Một nguyên nhân khác nữa là do điều hòa của bạn dần cạn kiệt gas làm lạnh, cần được bổ sung ngay.
3.4. Bạn hắt hơi và sổ mũi nhiều hơn
Theo nghiên cứu cho thấy, hệ thống điều hòa không khí gặp sự cố có thể khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm. Điều này xảy ra khi bộ lọc không khí trong máy lạnh chưa được dọn dẹp. Bụi bẩn có thể bay trở lại trong không khí và hòa lẫn với không khí mát do điều hòa tạo ra, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ.
3.5. Điều hòa phát ra tiếng ồn gây khó chịu
Hầu hết điều hòa thường không tạo tiếng ồn trong quá trình hoạt động. Nhưng nếu đột nhiên có những tiếng ồn lạ phát ra từ máy lạnh thì đó chính là dấu hiệu để bạn kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đinh vít bị lỏng, bộ cánh quạt lâu chưa được vệ sinh, motor bị khô dầu,…
4. Cách bảo dưỡng điều hòa đơn giản
4.1. Chuẩn bị dụng cụ bảo dưỡng điều hòa
Các dụng cụ cần thiết cho việc bảo dưỡng máy lạnh bao gồm:
- Bơm tăng áp có hệ thống vòi áp suất cao, làm sạch sâu.
- Dung dịch tẩy rửa.
- Tua vít, kìm,…
- Khăn sạch, giẻ lau.
- Túi nilong hoặc áo mưa cỡ lớn.
- Máy hút bụi (Nếu có)
4.2. Các bước bảo dưỡng điều hòa
Bước 1 : Ngắt nguồn điện máy lạnh
Bạn cần ngắt máy lạnh và ngắt toàn bộ nguồn điện xung quanh để đảm bảo an toàn. Sau 2 phút để máy quay về trạng thái ổn định, bạn mới bắt tay vào việc bảo dưỡng điều hòa.
Bước 2 : Kiểm tra máy lạnh
Bạn cần kiểm tra khí gas và đường ống dẫn để đảm bảo không gặp phải tình trạng thiếu hụt hay rò rỉ khí gas. Đồng thời, bạn cũng cần kiểm tra các thiết bị, linh kiện bên trong để xem có dấu hiệu bị hỏng không.
Bước 3 : Vệ sinh máy lạnh
Bạn cần vệ sinh kỹ càng các linh kiện như dàn lạnh, dàn nóng, cánh quạt, lưới lọc khí, vỏ máy…để ngăn ngừa tình trạng bụi bẩn, vi khuẩn bám ở trong điều hòa.
Bước 4 : Kiểm tra lại máy lạnh
Sau khi lắp lại các thiết bị, bạn nên bật máy lạnh và kiểm tra xem máy có chạy ổn định không.